Dự án đầu tư xây dựng toà nhà Trung tâm được thai nghén từ năm 2004 dựa trên mục tiêu, quan niệm là xây dựng Trung tâm thành các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các bộ môn khối y học cơ sở như mô phôi, sinh hoá, sinh lý, vi sinh, ký sinh y học,...
Năm 2010, theo xu thế phát triển của thế giới và căn cứ pháp lý hiện hành của Việt Nam, Ban lãnh đạo trường đã nhận rõ tính cần thiết cần phải định hướng phát triển NCKH của trường nên đã mạnh dạn đề xuất đầu tư dự án trên thành “Trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm chuyên sâu” thuộc Trường (Hình 1).
Hình 1: Hồ sơ dự án “Trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm chuyên sâu” (10/2010)
Dự án đầu tư xây dựng mới “Trung tâm, nghiên cứu, thí nghiệm chuyên sâu” trực thuộc Trường (quy mô 06 tầng trên nền 3.418m² đất xây dựng công trình) được Sở Xây dựng TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 35/QĐ-SXD-TĐDA ngày 20/08/2013 (Hình 2). Mục tiêu xây dựng ban đầu của dự án là nhằm sử dụng cho các thí nghiệm chuyên sâu của các bộ môn y học cơ sở cũng như phục vụ công tác NCKH của trường.
Hình 2: Quyết định của Sở Xây dựng TPHCM về việc phê duyệt và điều chỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tòa nhà TT (8/2013 & 8/2015)
Tòa nhà Trung tâm được khởi công xây dựng từ tháng 05/2015; đến tháng 02/2017 công trình đã được hoàn thành nghiệm thu và bàn giao cho trường quản lý, sử dụng.
Hình 3: Lễ khởi công công trình xây dựng (06/05/2015)
Hình 4: Lễ bàn giao công trình xây dựng (06/02/2017)
Trải qua gần 14 năm, nhận thấy mục tiêu và quan niệm trước đây không còn phù hợp với thực tế khách quan hiện tại nên Ban điều hành Trung tâm đã tập trung xây dựng quan niệm chỉ đạo mới và đệ trình lãnh đạo trường phê duyệt nhằm tránh đầu tư trùng lắp, không tận dụng được hiệu quả trang thiết bị và tránh xu hướng cục bộ, cát cứ. Mục tiêu mới của Trung tâm là trở thành một nơi thu hút và triển khai thực hiện các nghiên cứu chất lượng, đa chuyên ngành có tầm cỡ hàng đầu trong nước và tiến tới tiếp cận chất lượng khu vực và thế giới. Với quan niệm đó, các phòng thí nghiệm trọng điểm cũ sẽ trở thành những “công xưởng kỹ thuật” thí nghiệm chuyên sâu kỹ thuật cao dùng chung để tất cả các cá nhân, đơn vị trong trường (thậm chí ngoài trường), có thể cùng khai thác sử dụng, để tiến hành nghiên cứu khoa học. Tùy nội dung từng đề tài, các nhóm nghiên cứu có thể sử dụng một hoặc nhiều công đoạn kỹ thuật trong công xưởng đó để hoàn thành tốt nhất công trình nghiên cứu của mình.
Ngày 02 tháng 5 năm 2018, căn cứ vào đề xuất của Trung tâm và sự thống nhất của Ban giám hiệu, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã ký ban hành Quyết định số 1537/QĐ-TĐHYKPNT về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Y sinh học Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. (Hình 5).
Hình 5: Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Y sinh học
Song hành với việc đầu tư tòa nhà, cơ sở vật chất ban đầu, việc đầu tư các gói TTB (nhất là TTB chuyên môn chuyên sâu) là cực kỳ cần thiết. Trung tâm không thể thực hiện đúng chức năng nếu không có các TTB chuyên môn chuyên sâu. Vì thế, Trường đã thông qua tư vấn các chuyên gia chuyên ngành và nhu cầu thực tế với quan điểm mới để xây dựng danh mục đầu tư đồng bộ, hợp lý và cập nhật trên tổng số vốn đầu tư đã dự kiến và đã được UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định đầu tư. Trường đã lập hồ sơ đề xuất mời thầu các gói TTB. Kết quả đến năm 2019 Trường (chủ đầu tư) đã hoàn tất thủ tục đấu thầu theo quy định và ký được 03 Hợp đồng cung cấp 03 gói TTB.
Việc tiếp nhận các TTB của Trung tâm đều được thực hiện theo Quy trình 7 bước nghiệm thu TTB của Trường và Quy trình Quản lý, sử dụng TTB của Trung tâm nhằm đảm bảo toàn bộ máy móc, thiết bị được bàn giao, hướng dẫn vận hành và nghiệm thu đúng quy định, đúng trình tự và đầy đủ hồ sơ, thiết bị được tiếp nhận đúng chất lượng và đúng đơn vị sử dụng (Hình 6).
Hình 6: Hình ảnh tiếp nhận, bàn giao TTB tại TT (6-7/2020)
Song song với việc nhận TTB là công tác hướng dẫn sử dụng, Trung tâm đã phối hợp với các nhà cung cấp và Ban Quản lý dự án để triển khai việc tập huấn, đảm bảo tất cả các thành viên liên quan sử dụng thành thạo các TTB đã được cung cấp (Hình 7). Bên cạnh đó, khâu vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các TTB cũng được thống nhất áp dụng với các SOP cụ thể được ban hành.
Hình 7: Hình ảnh các buổi huấn luyện TTB tại TT (6-7/2020)
Đến ngày 7/5/2021, Trung tâm được Trường chính thức phê duyệt phân bổ, bàn giao 03 gói TTB để quản lý, khai thác và đưa vào sử dụng (Quyết định số 2009/QĐ-T ĐHYKPNT).
Để kịp thời cập nhật các thông tin quản lý nội bộ và các hoạt động của mình, Trung tâm đã từng bước hoàn thiện trương mục website TT trên trang web chung của trường (Hình 8) với cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh (tóm tắt) tại địa chỉ: https://ttncysh.pnt.edu.vn/
Hình 8: Hình ảnh chụp giao diện trương mục website TT
Qua quá trình hoạt động, để chuẩn hoá trong giao dịch hợp tác quốc tế, Trường đã ban hành quyết định đổi tên chính thức cho phù hợp với nhu cầu hội nhập (Quyết định Số 2404/QĐ-TĐHYKPNT, ngày 17/6/2020). Theo đó, Trung tâm có tên tiếng Việt là: Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tương ứng với tên tiếng Anh là Biomedical Research Center, University of Medicine Pham Ngoc Thach (viết tắt: BRCP) (Hình 9).
Hình 9: Trung tâm Nghiên cứu Y sinh (5/2021)
Theo dòng thời gian 16 năm thai nghén và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu Y sinh đã chuyển từ ý tưởng sơ khai ban đầu đến được với thực tế khách quan như ngày hôm nay với “Quan niệm mới: Trung tâm như là một công xưởng kỹ thuật dùng chung, để cùng nhau phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu có giá trị”. Đây là nền tảng rất quan trọng để Trung tâm vững bước tiến lên với tầm nhìn “Phát triển thành cơ sở nghiên cứu khoa học và y sinh hàng đầu Việt Nam và khu vực”./.
PGS.TS.BS. Phạm Đăng Diệu (cập nhật đến tháng 8/2021)